Tiến lên "nấc thang" cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu- Bài 3: Tạo "bệ đỡ", giúp doanh nghiệp phát triển

03/10/2019 08:16

Theo các chuyên gia, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu đã khó, để "bám trụ" cũng như tiến sâu vào chuỗi càng khó khăn hơn. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, trước hết phải lấy thị trường trong nước làm "cánh đồng" nuôi dưỡng doanh nghiệp (DN), cộng thêm những chính sách đồng bộ, xuyên suốt, tạo cơ sở vững chắc cho các DN chủ động đầu tư, vươn mình lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.

Giữ "đất" cho doanh nghiệp

Thái-lan và Hàn Quốc là hai quốc gia đã áp thuế nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc tới 400% trong nhiều năm. Mục tiêu duy nhất của chính sách này nhằm bảo hộ thị trường nội địa, "giữ đất" cho ngành sản xuất ô-tô trong nước. Với đặc thù mỗi chiếc ô-tô được làm từ hàng nghìn linh kiện khác nhau, sự trỗi dậy của ngành công nghiệp ô-tô tại hai quốc gia trên đã kéo theo đà tăng trưởng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Ðến khi các ngành công nghiệp này đủ mạnh, họ mới bắt đầu mở cửa thị trường. Lúc này, các DN của họ đã đủ mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Kết quả cho thấy, công nghiệp ô-tô và công nghiệp hỗ trợ của Thái-lan cũng như Hàn Quốc hiện đứng trong tốp các quốc gia phát triển.

Ông Phan Lê Hoàng Linh (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) đã nêu dẫn chứng của Thái-lan và Hàn Quốc để nói về tầm quan trọng của thị trường, nhất là thị trường trong nước đối với sự phát triển của các ngành sản xuất. Các DN chúng tôi tiếp cận đều cho rằng, đầu tiên và quan trọng hơn là giữ được thị trường trong nước, trước khi nghĩ tới việc vươn ra khu vực và thế giới. Với quy mô 100 triệu dân, thị trường Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC (CMS) kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Ðiện tử Việt Nam (VEIA) Nguyễn Phước Hải phân tích, về bản chất, nếu muốn tăng giá trị, phải tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, rất tiếc là các chiến lược sản xuất của Việt Nam hiện nay vẫn chưa thành công. Bên cạnh đó, quyết tâm và nhất quán của Chính phủ đối với vấn đề sản xuất cũng là một thách thức. Nhiều chủ trương, chính sách đã được triển khai có hiệu quả nhất định, nhưng phát triển sản xuất theo chuỗi là quá trình lâu dài, kiên trì và nếu không có chiến lược rõ ràng, bền bỉ, sản xuất, kinh doanh rất khó phát triển, thậm chí có khả năng Việt Nam lại trở thành chợ tiêu thụ cho các nước khác. Chính vì vậy, cần coi thị trường nội địa là khởi đầu quan trọng, "bệ đỡ" cho DN. Thị trường điện tử hiện nay không ưu tiên phát triển bất cứ mặt hàng nào, thả nổi để "trăm hoa đua nở". Sản phẩm Việt Nam sản xuất ra phải cạnh tranh với hàng chục, hàng trăm hãng trên thế giới, trong khi đó, các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính… khó tiếp cận. Vì thế, không khó hiểu khi ngành điện tử Việt Nam qua nhiều năm vẫn èo uột như hiện nay.

Việc bảo đảm thị trường trong nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ sản xuất, hỗ trợ DN có thêm nguồn lực để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA) Lê Văn Tuấn, các dự án đầu tư công phải có sự bảo hộ nhất định đối với DN trong nước nhằm bảo đảm sức cạnh tranh. Mặc dù là một trong những đơn vị thành công về Tổng thầu EPC các dự án công nghiệp trọng điểm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc chỉ định thầu không còn quá quan trọng. Ngoài những ưu đãi hỗ trợ về thuế, đất đai, lãi suất, điều các DN cơ khí như LILAMA cần là tạo dựng cơ chế ổn định về việc làm cho các đơn vị thông qua chính sách đấu thầu, lao động. Ðơn cử, các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công cần tách bạch phần công việc DN Việt Nam có thể đảm nhận được để đấu thầu trong nước. Ðiều này phải làm từ khâu chuẩn bị dự án, ngay sau khi bóc tách các gói thầu, phần việc nào trong nước bảo đảm được thì chuyển qua cho các bên liên quan để theo dõi, đối chiếu và có các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Ðối với các gói thầu trong nước chưa hoàn toàn thực hiện được, cho phép đấu thầu trong nước với điều kiện nhà thầu trong nước được liên doanh với nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực để làm chủ công nghệ. Song song với đó, cần có chính sách siết chặt quản lý lao động. Tại dự án Nhà máy đạm do LILAMA đang xây dựng tại Bru-nây, trong quá trình thực hiện dự án, phía Bru-nây giám sát, quản lý rất kỹ lực lượng lao động LILAMA đưa sang, đồng thời yêu cầu bắt buộc phải sử dụng ít nhất 10% số lao động bản xứ.

Với đất nước có nguồn lao động dồi dào như Việt Nam, trừ lao động trình độ cao ở nước ngoài mà trong nước chưa đáp ứng được về trình độ, kinh nghiệm, số còn lại cần siết chặt để tạo nguồn lao động, duy trì việc làm cho nhân công trong nước. Những việc này hoàn toàn có thể chủ động, nhất là khi trình độ của các DN trong nước ngày càng nâng cao, nhưng lại không có "đất diễn" nếu phải thực hiện đúng theo những quy định hiện nay. Nhiều dự án, công trình do nước ngoài triển khai bị đội vốn, chậm tiến độ, trong khi một số DN trong nước làm Tổng thầu EPC các dự án lớn như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Nhiệt điện Vũng Áng 1, Cà Mau 1 và 2,… mang lại thành công là bài học cần rút kinh nghiệm để ban hành chính sách hỗ trợ nhà thầu trong nước tại các dự án chuẩn bị triển khai như cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường sắt cao tốc, các công trình công nghiệp trọng điểm...

Lực đẩy từ chính sách

Dẫn chứng trường hợp của Samsung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Chỉ Sáng phân tích, để tham gia vào chuỗi, các DN phải có cả một quy trình, từ chính sách phản hồi, nhà xưởng, con người có đạt tiêu chuẩn hay không… Ðể đạt được các tiêu chí trên thường mất 1 đến 2 năm. Ðồng thời, chi phí bỏ ra để đáp ứng yêu cầu trên tốn kém đến vài chục triệu USD, mà cũng chưa chắc sau khi DN đáp ứng được yêu cầu khắt khe thì Samsung sẽ đặt hàng. Thực tế, nhiều DN Hàn Quốc đã bị Samsung đẩy ra khỏi chuỗi và phá sản. Câu chuyện này là bài học cho việc xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Theo đó, cần xây dựng một số DN đầu đàn, có năng lực về vốn và kỹ thuật mạnh và khi DN đủ lớn mạnh sẽ có khả năng "mặc cả", đàm phán với các đối tác nước ngoài để nhận thêm các phần việc. Chẳng hạn, như Trường Hải với thương hiệu Thaco, trước đây chủ yếu nhập khẩu bán hàng, đến nay đã tham gia sản xuất một số phần việc về khung sườn, vỏ xe, vỏ đèn,... cho nhiều hãng ô-tô trên thế giới. Chính phủ và DN lớn phải cùng sát cánh kéo các DN nhỏ đi theo. Nếu để DN Việt Nam tự chiến đấu với nhà thầu phụ có tiềm lực mạnh của các công ty lớn trên thế giới, chắc chắn nắm chắc phần thua.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng một số DN đã thật sự vươn lên, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trường hợp của Công ty TNHH 4P là một thí dụ. Hiện nay, công ty đã có hai nhà máy sản xuất chính, trong đó nhà máy tại Hải Phòng mỗi tháng sản xuất khoảng một triệu bản mạch, cung cấp cho LG lắp đặt thiết bị âm thanh cho các hãng ô-tô trên khắp thế giới. Giám đốc 4P Hoàng Minh Trí cho biết, trước đây nói đến lắp ráp của Việt Nam thường đi kèm cụm từ "công nghệ tuốc-nơ-vít", nghĩa là chỉ cần một chiếc tuốc-nơ-vít đã có thể lắp ráp thành công một chiếc ti-vi hay máy tính,... Công nghệ mới hiện nay là "dán" các con chip lên bản mạch, đòi hỏi máy móc và công nghệ hiện đại hơn nhiều. Ông Trí quyết định tự đầu tư máy móc, thành lập Công ty 4P để gia công cho LG đồng thời tham gia sản xuất cho nhiều tập đoàn lớn khác như Cannon, Cooper, Daewoo,… Tuy nhiên, chi phí để DN đổi mới công nghệ, máy móc rất cao. Ðây chính là áp lực lớn đối với đa số DN, nhất là tư nhân khi ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất. Do đó, Chính phủ cần thiết kế các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích cũng như thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo bằng chính sách ưu đãi về tài chính, tăng cường mối liên kết giữa DN và các viện nghiên cứu hoặc hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm công nghệ mới, giúp DN có thêm nguồn lực và niềm tin để mạnh dạn hơn trong quá trình đổi mới công nghệ.

Không nằm ngoài vòng quay về đổi mới công nghệ, các DN dệt may cũng đang đẩy mạnh đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt cho biết, với lợi thế hệ thống phân phối và đội ngũ thiết kế, đơn vị đang thúc đẩy chiến lược sản xuất hàng ODM xuất khẩu. Sự kiện May 10 đàm phán và bán sản phẩm gắn thương hiệu của mình trên trang thương mại điện tử Amazon.com đã khẳng định bước đi của DN. Việc hợp tác thông qua kênh bán hàng trực tuyến Amazon là phương thức xây dựng thương hiệu nhanh nhất, phủ rộng và cắt giảm được nhiều chi phí trung gian để gia tăng lợi nhuận. Phân tích sâu hơn về ngành dệt may, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, đặc thù của ngành dệt may là ngành cung ứng theo chuỗi. Nếu có quy mô xuất khẩu lớn và những lợi ích thuế quan tốt, các DN dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế tham gia chuỗi cung ứng và việc cần làm hiện nay là ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụ thể là sản xuất NPL dệt may. Hiện nay, xuất khẩu dệt may đạt hơn 36,1 tỷ USD nhưng phải bỏ ra hơn 22,2 tỷ USD để nhập khẩu NPL. Do đó cần thành lập được những cụm công nghiệp để tập trung sản xuất NPL, giải quyết nút thắt về xử lý nước thải, môi trường của khâu nhuộm. Nhà nước cần tham khảo chính sách của một số nước đã áp dụng thành công đối với ngành dệt may, chẳng hạn Trung Quốc có chính sách khuyến khích ngành trồng bông bằng các biện pháp trợ giá, bao tiêu sản phẩm. Ấn Ðộ có chính sách miễn thuế nhập khẩu máy móc, hoàn thuế với các DN xuất khẩu dệt may, có quỹ hỗ trợ xuất khẩu, phát triển nhân lực,... nhằm khuyến khích phát triển ngành dệt may.

Ðể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiến lên những "nấc thang" cao hơn trong chuỗi, trước hết các DN cần xây dựng chiến lược hợp lý, từng bước nâng cao năng lực, khẳng định vị trí, vai trò trên thị trường. Nhà nước cần đóng vai trò "bệ đỡ", tập trung tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn, cũng như dành nguồn lực ổn định và ban hành chính sách linh hoạt, đồng bộ, xuyên suốt, tạo cơ sở vững chắc để DN mạnh dạn đầu tư kinh doanh, sẵn sàng là đối tác tin cậy của bạn hàng trên thế giới.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra từ ngày 1-10-2019.

Việc tham gia chuỗi cũng không bắt buộc phải trở thành nhà cung cấp (vendor) cấp 1 vì sẽ phải chịu áp lực, trách nhiệm rất lớn và chưa phù hợp với năng lực của đa số DN Việt Nam hiện nay. Do đó, với mức độ là các vendor cấp 2, cấp 3 sẽ phù hợp hơn đối với các DN trong nước. Ðây cũng là định hướng cần xem xét kỹ hơn trong việc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Phan Lê Hoàng Linh

(Cục Công nghiệp, Bộ Công thương)

XUÂN THỦY, VIỆT HẢI VÀ HOÀNG ANH

( Theo Nhandan.com.vn)

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận